Danh mục: Tin Mới

  • My Altruistic Home-Leaving Experience in Japan

    Cảm nghĩ lần XGVT ở Nhật, 2019

    Ngô Thị Viên – Thân Hoà Hoằng

    Đi xuất gia là vấn đề tôi không dám nghĩ đến vì biết định lực mình còn yếu kém. Năm 2019 Thầy tổ chức Mạn Đà La ở Nhật, tôi càng không dám mơ ước vì thấy ngoài tầm tay của mình.

    On weekends, my husband and I joined a dharma sister in prostrating practice to support her since she was going to become a short-term nun later that year. At first, we only did prostration practice for 30 minutes, gradually increasing to 45 minutes. Once we practiced prostrating for an entire hour and I didn’t even notice that my knees had gotten scraped.

    Và sau lần lạy đó tự nhiên tôi nảy ra ý định muốn đi xuất gia ở Nhật cho mẹ mình. Mẹ tôi lúc ấy 86 tuổi đang ở Việt Nam với mấy đứa em. Từ lúc tôi có cháu nội và ngoại, tôi cũng ít về thăm mẹ tôi. Đúng là: nước mắt chỉ chảy xuống hoặc nước sông chỉ chạy một chiều như người đời thường nói.

    Rồi tôi cũng không ngờ tôi có tên trong danh sách những người đi xuất gia. Chỉ còn một tuần lên máy bay qua Nhật thì tin Mẹ tôi mất.

    Và tôi đã đặt chân lên xứ Phù Tang. Một ước mơ mà bấy lâu không dám mơ ước nay đã thành tựu. Và tôi đã hòa mình vào Tăng Đoàn để tập sống những ngày của người không còn vướng bụi trần gian.

    Ngày tôi được Thầy xuống tóc, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm, không tiếc nuối gì cả. Trước mặt và xung quanh tôi có những người tôi quen và không quen, nhưng tôi chẳng thấy gì cả, chỉ thấy một vòm trời trong sáng trước mặt. Thế mới hiểu ra rằng những người đi xuất gia, không phải để về khoe khoang hay được người ta khâm phục, mà là những người đang trắc nghiệm có đúng là mình đã buông bỏ thật sự hay không?

    Tôi còn nhớ ngày tôi cùng mọi người đi tam bộ nhất bái. 4 giờ sáng chúng tôi đã rời chùa, tập trung ở chân núi. Trời còn tối đen từ dưới chân núi chúng tôi bắt đầu hướng lên trên. Đoàn người yên lặng trong màn đen, cúi đầu vừa đi vừa lạy theo nhịp chuông của người dẫn đầu. Được một khoảng tôi đã xuất mồ hôi nhưng cảm thấy rờn rợn, lành lạnh, và tôi cảm nhận có nhiều khuôn mặt vô hình đứng hai bên đường, hình như có khuôn mặt Mẹ tôi trong đó. Họ chỉ đứng nhìn chúng tôi và không có vẻ gì dữ dằn cả. Tôi tự nói thầm: Ma đâu mà nhiều thế.

    Khi cuộc tam bộ nhất bái được chấm dứt trên đỉnh núi, và đoàn người chúng tôi quay đầu xuống núi về chùa để ăn sáng. Khoảng nửa đường thì gặp Thầy dừng lại để nói chuyện. Thầy kể Thầy gặp ma không đầu. Tôi cũng định nói: con cũng thấy ma nhiều lắm. Nhưng không biết sao lúc đó tôi lặng thinh. Có lẽ tôi xấu hổ vì thường khi tôi vẫn nói với mọi người: tôi chưa gặp ma bao giờ và không sợ ma chết, chỉ sợ ma sống thôi. Nhưng hôm đó tôi đã thấy ma. Lúc ngồi viết lại những dòng chữ này tôi vẫn còn cảm nhận cái cảm giác hơi nổi da gà khi thấy những vong linh đứng bên đường tối om.

    Lúc ở Nhật, những ngày tập trung xếp hàng chờ di chuyển đến chỗ học, tôi vui thích nhất là những lúc đứng xếp hàng, người đã đi xuất gia nhiều lần thì đảo mắt tìm người quen, còn người mới lần đầu thì đứng yên trầm ngâm, bỡ ngỡ. Những cảnh ấy làm cho tôi gợi nhớ lại thời còn đi học. Trước khi vào lớp phải đứng xếp hàng điểm danh, hoặc lúc đi phải hàng đôi, không được rời khỏi hàng, hoặc bị kiểm điểm chỉnh tề lại y phục, vv và vv.

    Tôi đã được nghe những người đã dự Mạn Đà La về chia sẻ, nhưng vẫn chưa tưởng tượng thật sự như thế nào. Và cuối cùng tôi cũng đã có mặt và ngồi trong Mạn Đà La. Giờ phút làm lễ tôi có cảm tưởng như mình đang ở thế giới cao siêu nào đó. Khi Thầy cất giọng hát bài gì đó tôi chưa biết, tự nhiên nước mắt tôi tuôn trào nức nở. Tôi không biết vì sao tôi khóc. Khóc vì ước mơ tôi đã thành đạt hay tôi khóc vì không gần Mẹ tôi trong giờ phút chót, nhưng có lẽ Mẹ tôi cũng thấu hiểu cho lòng tôi.

    Cho tới bây giờ tôi vẫn còn luôn tri ân người trưởng đoàn luôn giúp đỡ, cổ động mọi mặt để tôi có cơ hội và phương tiện học đạo. Tri ân những người trong Tăng Đoàn yểm trợ, nhắc nhở, bổ sung, và nhất là ông xã tôi đã hy sinh số tiền đi làm phụ trội để tôi có đủ tịnh tài trong chuyến đi xuất gia ở Nhật vừa qua.

    Và từ đây về sau thì tôi đã vững lòng tin với tâm niệm: - Giữ Giới làm Thầy -Áp dụng giáo pháp để thay đổi, sửa mình, và chuyển hóa.

    Ngô Thị Viên

  • My Journey into the Unknown

    Cuộc Hành Trình Mầu Nhiệm

    Mai Ly Phạm
    Thân Khai Chân Phu

    Từ năm 2013 trở đi, tôi liên tiếp tham dự Pháp Hội Di Đà và Xuất Gia Vị Tha đoản kỳ. Cái gì đã thúc đẩy tôi cạo đầu, từ bỏ nếp sống êm đẹp, đầy tiện nghi, dù chỉ trong một thời gian ngắn, để bước qua một cuộc sống ngăn nắp, kỷ luật, thiếu tiện nghi? Hay nói cách khác là ít tiện nghi và nhiều kỷ luật hơn những gì tôi tự định đặt cho mình.

    Từ trước đến nay, lúc nào tôi cũng nhìn những vị xuất gia vị tha đoản kỳ với một cặp mắt thán phục. Mỗi năm, các vị này tham gia chương trình xuất gia do hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức. Họ là những chuyên gia, những người đã hoàn toàn thích ứng vào môi trường sống ở đây và đã tạo cho mình một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Họ không phải là những người thất bại trên đường đời và mất đi mọi quan tâm tới cuộc sống chung quanh. Họ là những bậc cha mẹ, ông bà, là những người con, anh, chị, em v.v… Họ không phải là những kẻ sống cô độc.

    Thế nhưng, trong một giai đoạn ngắn, họ sẵn sàng bỏ tất cả, phơi bày con người thật của mình. Gọt bỏ mái tóc vốn là một “góc con người” mà mình trình diện ra ngoài. Cái vẻ bề ngoài đối với những con người trần tục chúng ta rất quan trọng. Đầu tóc, ăn mặc chải chuốt như thế nào để mỗi nơi, mỗi trường hợp mình đều có thể hợp thời trang, hay không lỗi thời. Mình trang điểm, nhuộm tóc để che đi dấu vết thời gian. Mình có một bộ mặt mà mình muốn thế giới bên ngoài nhận biết. Cho dù bộ mặt đó có vẻ xuề xòa, không chải chuốt, thì nó cũng ra từ một sự chủ ý của mình.

    Như vậy, tại sao có những người sẵn sàng bỏ hết những thứ giúp mình dựng lên bộ mặt của mình để trở thành một kẻ vô danh, một phần tử trong một số đông các phần tử như nhau? Trong bốn năm từ lúc chương trình Xuất Gia Vị Tha mới được tổ chức năm 2009, tôi nhìn các bạn đồng tu của tôi, những người quen sơ, những người quen lâu, xuống tóc khoác vô chiếc áo cà sa không hình thù với một tấm lòng ngưỡng phục. Lúc đó tôi nghĩ đây là một chuyện vượt ngoài khả năng của tôi. Không cách gì mà tôi có thể để thế gian thấy cái đầu trơn tru không tóc và khuôn mặt không che đậy của mình.

    Nhưng rồi cuộc sống không để cho ta yên, sẽ kéo ta tiến tới và hướng lên nếu ta sẵn lòng mở rộng đón nhận những thử thách. Vào năm 2011, chồng tôi bị tử nạn bất ngờ và cuộc sống tôi chuyển mình. Những gì quan trọng xưa kia nay mất đi giá trị của nó, giá trị quan của tôi chuyển qua hướng khác.

    Người chủ gia đình đã không còn nữa và trọng trách đối với các con và mẹ nay phụ thuộc hoàn toàn vào tôi. Tôi nhìn các con và mẹ đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống, tôi nghĩ tới cuộc đời của chồng và cảm thấy sự bất lực của mình trong việc làm nhẹ đi gánh nặng nghiệp chướng của họ.

    Là một Phật tử, mình được chỉ dạy rằng thân, khẩu, ý tạo ra vô số, vô biên nghiệp chướng mà chỉ có thật sự sám hối thì mới vơi đi gánh nặng đó. Nhưng làm sao có thể bắt người khác sám hối, ; nó chỉ có thể xảy ra từ trong tâm của họ, và chuyện mình có thể làm được là gây ra cảm hứng cho họ nhìn lại và tự sám hối. Tôi sực tỉnh và thấy được một chuyện ngay trước mắt có thể làm để giúp những người thân thương này. Tôi sẽ đi xuất gia đoản kỳ cho mẹ, cho chồng và các con. Tôi sẽ trao những năng lực tu tập này tới những người thân thương ấy.

    Mục tiêu rõ ràng, tôi đăng ký gia nhập tăng đoàn Xuất Gia Vị Tha năm 2013. Với một tấm lòng hăng hái và không ít lo lắng, tôi lên đường đi qua Cali. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ rõ ngày đầu tiên xuống tóc. Giữa đám người xuất gia lần đầu tiên, tôi ngồi đợi để được Thầy xuống tóc. Lần lượt, từng người bước lên, ngồi xuống ghế, cảm nhận từng lọn tóc rơi rụng và lắng nghe những lời Thầy dạy và những lời đáp lại những khắc khoải sâu thẳm trong tâm họ. Tôi ngồi đó với một tâm thái đầy phân vân. Tôi biết rằng sự lựa chọn vẫn còn trong tầm tay của mình, và tôi có thể bước ra khỏi chốn này ngay bây giờ với mái tóc còn nguyên vẹn.

    Những câu hỏi chạy qua đầu, tôi có thật sự sẵn sàng làm chuyện này không? Tại sao làm? Liệu nó có giúp ích được cho ai không? Rồi tôi thấy khuôn mặt buồn lo của các con, thấy cơn bệnh của mẹ tôi, thấy cuộc sống đầy phấn đấu của chồng và tôi quyết chí tiến tới. Khi chỉ còn lại tôi và một người nữa, tôi mạnh dạn bước lên. Lúc cảm nhận đường tông đơ đầu tiên chạy qua đầu mình, tôi biết đây là một khúc quanh không trở lui được. Một cuộc hành trình mới vừa bắt đầu, và tất cả những băn khoăn, phân vân trước đây rơi rụng hết theo từng lọn tóc.

    Tôi nghe tiếng Thầy như văng vẳng từ xa nói với tôi nên buông bỏ tất cả và mở lòng tha thứ, nhưng tôi vẫn chưa buông bỏ được lúc ấy. Tôi kềm giữ lại tình cảm của mình, tôi không để mình rơi lệ trước mắt mọi người. Tôi vẫn chưa hoàn toàn phơi bày hết con người của tôi được mặc dù đã chấp nhận rũ bỏ một phần bộ mặt của mình.

    Từ đó, mỗi năm tôi lại trải nghiệm sự chuyển hóa con người của mình qua kinh nghiệm của một người xuất gia đoản kỳ. Mỗi năm, tôi cảm thấy cuộc sống nội tâm mở ra thêm một tí và lan tỏa ra ngoài. Bộ mặt tôi dựng lên cho thế giới bên ngoài trở nên bớt quan trọng. Tình thương và sự cởi mở làm cho tôi nối kết được với nhiều người, ngày càng gia tăng. Tôi sẵn sàng chấp nhận sự yếu kém cũng như khả năng của mình.

    Tình thương và sự cởi mở giúp tôi thanh thản ôm mẹ vào lòng và chấp nhận những vết thương lòng mà tôi cho là phát xuất từ người. Tôi có cái nhìn bao dung hơn về chồng, nhận biết được sự xuất sắc và thánh thiện cũng như những yếu kém của anh và chấp nhận những lỗi lầm của hai bên. Cuộc sống của tôi trở thành một mẫu mực cho các con nhìn vào để tự hướng dẫn cuộc đời của chúng.

    Tất cả sự chuyển hóa trên không thể nào có được chỉ qua sách vở và sự hiểu biết mà phải qua một kinh nghiệm sống, qua sự sẵn sàng phơi bày con người thật của mình, mặc dù từ từ theo thời gian. Có một sự nhẹ nhàng trong cuộc sống khi mình không cần phải lo sợ nhiều tới sự phán đoán của người khác vì ta thấy được và chấp nhận những sơ xuất, yếu kém của mình. Cho dù có yếu kém tới đâu tiềm năng của ta vẫn vô hạn lượng và tương đồng với tất cả mọi người.

    Tôi cảm thấy diễm phúc được xuất gia và tham dự Pháp Hội mỗi năm. Diễm phúc được cơ hội sám hối cho những tội nghiệp của mình và của những người mình tu dùm. Diễm phúc thấy được sau bộ mặt bên ngoài, có một sự tương đồng giữa tất cả mọi người chúng ta.

    Mai Ly Phạm

  • A TALK WITH TEMPORARY MONK – NUN

    A TALK WITH TEMPORARY MONK – NUN

    Sư huynh xuất gia lần đầu khi nào vậy sư huynh?

    “ Khi còn nhỏ, anh quậy dữ lắm, không biết sợ gì cả. Năm 18 tuổi, có lần biển động nhưng anh vẫn cứ xuống tắm do ỷ mình trẻ khoẻ. Khi đó sóng lên dữ lắm, anh muốn bơi về mà nó cứ kéo anh ra xa. Tới khi đuối sức, anh chịu không nổi nữa rồi, nghĩ chắc mình sẽ phải chết thôi. Ngay trước khi ngất xỉu, anh nhớ lại lời mẹ anh dạy, chỉ kịp nghĩ trong đầu: “Quán Âm ơi, cứu con.” Tới khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trên bờ, không bị làm sao hết. Tuy vậy, khi đó anh chỉ nghĩ tới việc mình may mắn, chứ không có nghĩ gì tới việc tu hành. Anh cũng không quen biết vị thầy nào để chỉ dạy mình cả.

    Sau này qua Mỹ, lấy vợ rồi, vợ anh hay đi nghe Thầy Hằng Trường thuyết giảng. Cổ cứ nói anh đi hoài, thôi thì chiều vợ một lần cho lành. Bữa đó anh dẫn con đi khám răng, xong sẵn ghé qua chỗ Thầy giảng luôn. Anh thấy mấy cô chú chăm chú nghe Thầy nói, có vẻ tâm đắc lắm. Thú thật là anh nghe như vịt nghe sấm. Anh chả hiểu gì hết trơn, nhưng cũng không rời đi.

    Khúc cuối buổi, Khai Nghiêm lên chia sẻ về trường hợp của chị Lan Hương ở OC. Chị bị bệnh nặng mà còn một thân một mình, đứa con nhỏ sau này không biết ai chăm cho. Khai Nghiêm kêu gọi mọi người đi xuất gia cầu nguyện cho chị mau lành bệnh. Tự nhiên anh nhìn con mình, rồi nghĩ nếu mình cũng bị như vậy thì sao? Bất giác anh thấy thương vợ con, và cũng thương chị Lan Hương đó quá, dù chưa gặp cô ấy bao giờ. Hôm ấy anh về nhà mà anh cứ suy nghĩ mãi.

    Anh trằn trọc suy nghĩ cả tuần liền. Sau cùng anh quyết định xin vợ cho đi xuất gia để cầu nguyện cho chị ấy. Vợ anh ngạc nhiên lắm, xong rồi cũng rất vui mừng. Sau đó anh cũng thưa chuyện với Thầy Hằng Trường. Anh nói: “Dù con không hiểu Thầy giảng gì hết, nhưng cũng kính xin Thầy chấp nhận cho con xuất gia vị tha.” Thầy cười rồi động viên anh. Từ dạo đó mà anh gắn với hội cho tới bây giờ.”

    Lời kể của sư huynh Thân Khai Thông Phát

  • XGVT Outreach

    XGVT Outreach

    Năm nay, Hội Từ Bi Phụng Sự thành lập nhóm XGVT Outreach với mong muốn có thể đóng góp phần nào trong nhu cầu nâng cao sự nhận thức của cộng đồng về giá trị quan trong cuộc sống tâm linh, hy vọng có thể cùng mọi người giúp nhau mở rộng tâm lượng, phát huy lý tưởng phục vụ cho tha nhân mà tham gia XGVT.

    Khóa XGVT hướng tâm người tu tới việc hành thiện, phát triển cái hay, cái đẹp qua những phương tiện thiện xảo, giúp chúng sinh thêm phương tiện hiểu rõ hơn về đạo Pháp, đồng thời lan tỏa, chuyển tải ánh sáng Chân Tâm tới người tu, hộ trì ánh sáng quang minh để bóng tối vô minh không có cơ duyên phát triển phiền não phá hoại, nhất là trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Từ tâm tư ấy, nhóm XGVT Outreach đã ra đời. Qua sự nhận thức của thế kỷ 21, việc xuống tóc không còn là một sự “trao đổi” để cho những lời cầu nguyện của mình thành hiện thực; mà điểm trọng yếu chính là đem tình thương của mình đến với người mình nguyện xuất gia vì người đó làm cảm động chư Phật, chư Bồ tát, khiến các Ngài vì tình thương bao dung mà giúp những người với tâm thành, đạt được những mong ước trong lòng đến với những người thân yêu mà mình xuất gia vì họ.

    Chúng ta XGVT không phải với mục đích để gieo duyên làm tăng sĩ cho đời sau, hoặc để đạt được những thần thông biến hóa gì đặc biệt. Tham gia khoá XGVT, chúng ta sẽ trải nghiệm được tầm quan trọng của sức khỏe trong thời gian tu tập, cũng như tinh thần trong sự học hỏi, phát triển Bồ Đề Tâm, để từ đó có thể trở thành một người tốt đẹp toàn diện từ tâm linh đến thể chất. Tham gia khóa XGVT, ta sẽ thực sự trải nghiệm được sức mạnh cộng hưởng của tình thương tập thể qua những hành động, những lời nói, những ân cần chia xẻ của Ân Sư, của các vị sư huynh, sư tỷ, dù chỉ trong một thời gian trên dưới hai tuần. Tất cả những khía cạnh thực tế đó sẽ là mái trường đời, giúp chúng ta trưởng thành hơn, sâu sắc, chín chắn hơn với tầm nhìn trong đời sống. Trong thời gian XGVT, Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra tầng nhìn của chính mình đã thay đổi, và nhận chân ra được con đường XGVT chính là động cơ vị tha của Bồ tát lan tỏa sự an lạc, hạnh phúc vĩnh viễn trong chúng sinh.

    Kính mong các bác kêu gọi người thân cũng như bạn bè đồng tâm hổ trợ nhóm XGVT Outreach qua sự bày tỏ tình thương và quan tâm tới mọi người trong cộng đồng. Chúng ta sẽ cùng cùng nhau cảm thông với những ai có những khó khăn trong cuộc sống, hay những ai bị trở ngại khiến cho họ chưa thể tham gia Tăng đoàn XGVT trong năm 2022. Mong các bác hãy cùng với nhóm XGVT Outreach của hội Từ Bi Phụng Sự san sẻ tình thương với họ, làm cho họ cảm nhận được tình thương của Thầy Hằng Trường và của tất cả mọi người dành cho họ, cảm nhận được sự hỗ trợ trên con đường đạo, trên con đường mở tâm với tha nhân. Tin rằng với sức mạnh vô biên của tình thương sẽ cảm động chư Phật, chư Bồ tát để rồi những thuận duyên sẽ đến và tạo duyên lành giúp họ tham gia hữu hiệu vào Tăng đoàn XGVT. Điều chủ yếu quan trọng là để cùng nhau nối kết mạng lưới ánh sáng của chư Phật, chư Bồ tát với mạng lưới nhân duyên của chúng sinh.

    Hãy cùng với nhóm XGVT Outreach lần đầu tiên ra đời hoàn thành sứ mạng hỗ trợ XGVT 2022.

    Chân thành cảm ơn,

    The XGVT Outreach Group.

  • The Core of the Mandala

    Cốt Lõi của Mạn Đà La

    YouTube player

    Kính chào các bác, các anh chị,

    Pháp Hội Di Đà sắp tới rồi! Còn sáu tháng nữa thôi! Trong năm nay, chúng ta sẽ đặc biệt dành công đức tu tập trong Mạn Đà La cho 3.9 triệu nạn nhân trên toàn thế giới đã ra đi vì bệnh dịch COVID-19, với lòng tin là sự thành tâm của tất cả những người đến tham dự sẽ mang đến sự lành trị cho mất mát quá to lớn này.

    Vì thế, chúng tôi rất mong được sự góp sức của quí vị. Chúng tôi cần sức thiền định cũng như lòng quan hoài của trăm người, ngàn người để cùng tạo một sức mạnh cộng hưởng hầu đạt tới mục đích trên. Để chuẩn bị tạo sức thiền định, xin quí vị cùng chúng tôi thực tập pháp Tứ Liên Hoa, là pháp tu nồng cốt của Mạn Đà La năm nay, vào mỗi sáng thứ bảy, từ 8:00 đến 9:00, giờ California. (bắt đầu ngày 3 tháng 7, 2021).

    Nếu quí vị cảm thấy có thể tham dự thiết thực hơn, xin mời quí vị gia nhập tăng đoàn Xuất Gia Vị Tha, trở thành những vị sa di, sa di ni, nhóm người cốt lõi của Mạn Đà La, trong chương trình tu tập kéo dài 12 ngày theo lối sống xuất thế gian.

    Xin hãy cùng góp tay để cầu nguyện cho sự an bình và sự lành trị cho thế giới!

Tiếng Việt